Tư tưởng Lê_Duẩn

Dân tộc độc lập

Trong suốt 26 năm, với cương vị là Bí thư thứ nhất và sau đó là Tổng Bí thư, Lê Duẩn đã để lại nhiều di sản với lịch sử Việt Nam. Ông có công lao trong sự nghiệp đấu tranh chống Mỹ để giải phóng và thống nhất dân tộc, cũng như ý chí kiên cường, tinh thần cảnh giác trong việc chống lại chủ nghĩa bành trướng Trung Quốc. Theo một số nhận định, Lê Duẩn luôn có tự tin khi đứng trước những nhà lãnh đạo Trung Quốc, ông từng nói: "Chúng ta muốn thắng Mỹ, có một điều rất quan trọng là chúng ta phải không được sợ Mỹ, nhưng cũng không được sợ Trung Quốc và không được sợ Liên Xô". Cả Bộ Chính trị vỗ tay hoan hô ý kiến đó, tuy nhiên những văn bản họp Bộ Chính trị khi đó hầu như chưa được công bố, khiến những câu chuyện về tinh thần dân tộc của Lê Duẩn không thực sự được biết rộng rãi trong dân chúng.[39]

Khi còn sống, theo một số nhận định, Lê Duẩn lúc nào cũng cho rằng hiểu Trung Quốc là chuyện sống còn của dân tộc Việt Nam. Trong suốt chiến tranh chống Mỹ, rất nhiều lần Trung Quốc muốn dùng những khoản viện trợ để lồng ghép vào đó những toan tính riêng của họ, nhưng Lê Duẩn không nhận bất cứ một khoản viện trợ nào mà ông cho là có nguy cơ đối với nền độc lập của Việt Nam. Một nhà nghiên cứu về quan hệ Việt Nam với Trung Quốc đã từng nhận xét về ông: "Với Tổng Bí thư Lê Duẩn, cái gì nhịn được thì nhịn, nhưng ông tuyệt đối không bao giờ nhượng bộ những điều quá đáng, nguy hại cho an ninh quốc gia". Vì tư tưởng này, Lê Duẩn đã trở thành lãnh đạo Việt Nam làm Trung Quốc "gai mắt" trong giai đoạn ấy.

Trong cuốn "Đằng sau tấm màn tre – Trung Quốc, Việt Nam và Thế giới ngoài châu Á", do Priscilla Roberts biên tập, Trung tâm Woodrow Wilson và Đại học Stanford xuất bản năm 2006, có nói về việc Lê Duẩn từ chối nhận viện trợ quân sự của Trung Quốc để Viêt Nam tránh khỏi sự lệ thuộc vào nước này:

"Sau đó ông ấy (chỉ Mao Trạch Đông) bắt ta (Việt Nam) tiếp nhận hai vạn quân, đến để làm đường từ Nghệ An, Hà Tĩnh vào Nam. Tôi (Lê Duẩn) từ chối. Họ vẫn liên tục yêu cầu nhưng tôi không thay đổi ý kiến. Họ bắt tôi phải cho họ vào nhưng tôi không chấp nhận. Họ tiếp tục gây áp lực nhưng tôi vẫn không đồng ý. Các đồng chí, tôi đưa ra những ví dụ này để các đồng chí thấy được âm mưu lâu dài của họ là muốn cướp nước ta, và âm mưu của họ xấu xa tới chừng nào."[40]

Trong lần gặp đầu tiên trong năm 1963 ở Vũ Hán, nơi mà Mao Trạch Đông đã tiếp một phái đoàn của Đảng lao Động Việt Nam. Trong buổi họp đó, Lê Duẩn nói là đã hiểu ý định thật sự của Mao Trạch Đông là muốn khống chế Việt Nam và đã cảnh cáo ông ta là Việt Nam có thể đánh bại các lực lượng Trung Quốc dễ dàng. Mao Trạch Đông đã cố tình hỏi Lê Duẩn: “Đồng chí, có đúng là dân tộc ông đã chiến đấu và đánh bại quân Nguyên?” Lê Duẩn nói: “Đúng như vậy”. Mao Trạch Đông hỏi tiếp: “Lại một lần nữa, có đúng không, đồng chí, là các ông đã đánh bại quân nhà Thanh?” Lê Duẩn trả lời: “Đúng như vậy.” Mao Trạch Đông lại hỏi: “Và cả quân nhà Minh nữa?” Tới lúc đó, Lê Duẩn nói thẳng thừng: “Đúng, và luôn cả quân đội của ông nữa, nếu các ông tìm cách xâm lược đất nước tôi".[16]

Trong cuộc gặp Chu Ân Lai năm 1971, Lê Duẩn trả lời: “Đồng chí có thể nói bất cứ điều gì đồng chí thích, nhưng tôi sẽ không nghe theo. Đồng chí là người Trung Quốc, tôi là người Việt Nam. Việt Nam là của chúng tôi; không phải là của đồng chí.” Dù bị trả lời hằn học, nhưng trong bản tường trình cuộc họp của Chu Ân Lai đã nhắc đến lòng ái quốc cương trực của Lê Duẩn.[16]

Theo Stein Tonnesson thuộc Viện Đại Học Olso, phát biểu tại buổi Hội Thảo Quốc tế, Hồng Kông, ngày 12 tháng 1 năm 2000:

"Tập tài liệu năm 1979 của Lê Duẩn cho thấy rằng ông ta đã pha trộn một niềm tự hào dân tộc cao độ với tư tưởng là người Việt Nam, một dân tộc chuyên đấu tranh, đang đóng vai trò tiên phong của cuộc đấu tranh cách mạng thế giới. Tập tài liệu không cho thấy Lê Duẩn có niềm hâm mộ hay kính phục một dân tộc nào khác ngoài dân tộc Việt Nam, mà chỉ thuần một tư tưởng cho những cuộc tranh đấu cho quốc gia độc lập, cho tất cả mọi dân tộc, dù lớn hay nhỏ. Niềm tự hào của Lê Duẩn lộ rõ trong đoạn văn đầu tiên, khi ông ta nói rằng sau khi “chúng ta” (tức Việt Nam) đánh bại người Mỹ, không một đế quốc quyền lực nào dám đánh “chúng ta” nữa. Chỉ có vài tên phản động Trung Quốc “nghĩ là chúng có thể"[16]

Con trai Lê Duẩn kể lại:

"Như cha tôi lúc còn sống luôn nói rằng, khi người ta đã yêu đất nước đến vô cùng, đến mức trái tim chỉ có thể đập vì nó, thì họ sẽ luôn tìm được con đường đúng nhất. Một lần, khi ghé thăm cửa khẩu Hữu Nghị, nơi được coi là biểu tượng hàn gắn của mối quan hệ Việt Nam – Trung Quốc sau giai đoạn chiến tranh, tôi đã thấy ở nơi trưng bày những kỷ vật về mối quan hệ hai nước, có tất cả những tấm ảnh lãnh đạo Việt Nam qua nhiều thế hệ, trừ cha mình. Trong sâu thẳm, tôi tự hào về điều đó: Cha tôi, Tổng Bí thư Lê Duẩn là người quyết bảo vệ đến cùng từng tấc đất ở đây. Trái tim ông đã xui khiến ông hành động như thế."[41]

Về văn hóa

Lê Duẩn đọc rất nhiều và luôn suy nghĩ. Ông đọc vào mọi dịp, đọc trong nhà tù, đọc khi đi nghỉ ở nước ngoài, đến lúc tuổi cao sức yếu vẫn say mê đọc. Trong điều kiện những năm 1980 trở về trước, ít người tham khảo Bách khoa toàn thư Pháp hay Kinh Coran của đạo Hồi để làm công tác như Lê Duẩn. Theo ông "để làm việc với các tín đồ đạo giáo, cần hiểu đúng tôn giáo của họ". Đến thăm học viên là cán bộ trung, cao cấp đang nghiên cứu Lịch sử Đảng, trao đổi với anh em ở hành lang, Lê Duẩn nói: "Theo tôi, bài học lớn nhất của Đảng ta là phải độc lập suy nghĩ, giải quyết các vấn đề của cách mạng Việt Nam trên cơ sở đánh giá đúng tình hình thực tế của Việt Nam"

Những năm 1960, Lê Duẩn phát biểu: "Để hiểu việc, con người dùng lý lẽ, lý trí, nhưng khi hành động phải có tình cảm… Cách mạng tư tưởng và văn hóa gắn tình cảm với lý trí. Nói nghệ thuật là nói quy luật riêng của tình cảm. Nghệ thuật vận dụng quy luật của tình cảm". Đầu những năm 1980, Ban Tuyên huấn Trung ương tổ chức Hội nghị tập huấn tổng biên tập các báo địa phương, ông nói: "Làm báo là làm công tác khoa học, đồng thời là làm nghệ thuật".[42]

Làm chủ tập thể

Tư tưởng "làm chủ tập thể trên lập trường giai cấp vô sản" lần đầu được Lê Duẩn đưa ra vào tháng 6 năm 1965, và nhiều bài phát biểu về sau, ông phân tích:

"Trong chế độ tư bản chủ nghĩa, động lực đó là lợi nhuận. Lợi nhuận là động lực của cách mạng kỹ thuật, của các cuộc xâm chiếm thuộc địa, mở rộng thị trường, của việc mở rộng nền sản xuất lớn, v.v.. Lợi nhuận là nhân tố kích thích mạnh mẽ nhất sự phát triển lực lượng sản xuất trong xã hội tư bản chủ nghĩa, là cái mà hằng giờ hằng phút bọn tư bản suy nghĩ đến". Còn trong chế độ xã hội chủ nghĩa "Tất cả những người lao động đều phải lấy việc sản xuất của cải vật chất nhiều hay ít làm thước đo sự cống hiến của mình vào nền sản xuất xã hội; vì vậy, chúng ta phải thực hiện nguyên tắc phân phối theo lao động. Nguyên tắc đó là một động lực thúc đẩy nền sản xuất xã hội chủ nghĩa, nhưng nhân tố thường xuyên, mạnh mẽ thúc đẩy tính tích cực sản xuất của quần chúng công nông là ý thức giác ngộ xã hội chủ nghĩa, tinh thần làm chủ tập thể của họ". "Xây dựng tư tưởng tập thể xã hội chủ nghĩa có nghĩa là chống chủ nghĩa cá nhân, và chống chủ nghĩa cá nhân là để xây dựng tư tưởng tập thể xã hội chủ nghĩa".[43]

"Xây dựng chế độ làm chủ tập thể là xây dựng nước ta thành một xã hội trong đó người chủ chân chính, tối cao là cộng đồng xã hội, là tập thể nhân dân lao động có tổ chức, mà nòng cốt là liên minh công nông. Nội dung của làm chủ tập thể là làm chủ toàn diện, là làm chủ về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội; là làm chủ xã hội, làm chủ thiên nhiên, làm chủ bản thân; là làm chủ trong cả nước, trong từng địa phương và từng cơ sở; là trên cơ sở làm chủ đầy đủ của tập thể, của cộng đồng xã hội mà bảo đảm tự do cũng đầy đủ cho mỗi người; và ngược lại "sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người".[44] Phải phát động quần chúng, phải tuyên truyền giáo dục, làm cho mọi công dân Việt Nam từ em bé đến cụ già, nhất là tầng lớp thanh niên hiểu rằng họ là người chủ của nước Việt Nam, rằng tất cả của cải, tài nguyên của đất nước này đều thuộc về tập thể nhân dân, thuộc về những thế hệ hôm nay và cả những thế hệ ngày mai. Họ phải làm tròn nghĩa vụ của người làm chủ đất nước, đồng thời họ có đầy đủ những quyền của người làm chủ: quyền làm việc, học hành, vui chơi, quyền phát biểu ý kiến về bất cứ vấn đề gì của Nhà nước nhằm mưu cầu sự giàu có cho đất nước và hạnh phúc cho đồng bào; không ai được áp bức, ép buộc họ.[45]

"Chế độ làm chủ tập thể hơn hẳn mọi nền dân chủ trong lịch sử. Nó không phải là dân chủ của một số ít người, cũng không phải là dân chủ cho từng cá nhân riêng lẻ. Nó thể hiện vai trò làm chủ tập thể của cả cộng đồng xã hội của từng tổ chức và của từng người trong cộng đồng. Kết hợp chặt chẽ lợi ích của toàn xã hội với lợi ích của tập thể và lợi ích của mỗi người, nó bảo đảm cho cả cộng đồng xã hội cũng như từng tổ chức trong cộng đồng phát triển một cách tốt nhất, đồng thời bảo đảm tự do đầy đủ nhất cho mỗi thành viên của xã hội...Làm chủ tập thể xã hội chủ nghĩa có hai mặt: toàn xã hội làm chủ tập thể và từng người một làm chủ tập thể. Cả xã hội làm chủ và từng người một làm chủ, làm chủ tập thể và cá nhân có đầy đủ tự do, hai cái đó thống nhất với nhau, không hề có mâu thuẫn...Làm chủ tập thể là làm chủ cả về chính trị, kinh tế, văn hoá...Làm chủ xã hội, làm chủ thiên nhiên và làm chủ bản thân".[46]

"Trong chế độ làm chủ tập thể, mọi người lao động không thụ động tiếp nhận và hưởng thụ các quyền dân chủ từ một quyền lực bên ngoài mang đến, mà tự giác và chủ động đóng vai người làm chủ thật sự về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. Nhân dân lao động tự mình thực hiện quyền làm chủ tập thể của mình bằng một cơ cấu tổ chức hợp lý, bằng một chế độ sản xuất và phân phối hợp lý, bằng những phong trào cách mạng liên tục, sôi nổi của hàng chục triệu người. Chế độ làm chủ tập thể thực hiện trong cả nước, trong từng địa phương, từng cơ sở, gắn chặt làm một lợi ích của cá nhân với lợi ích của tập thể và của toàn xã hội. Đối với mỗi con người, chế độ làm chủ tập thể bảo đảm sự phát triển toàn diện nhất, những quyền lợi đầy đủ nhất đi đôi với những nghĩa vụ cao cả mà mọi người phải làm trọn.[47]

"Chỉ có chế độ làm chủ tập thể xã hội chủ nghĩa mới giải quyết đúng mối quan hệ giữa xã hội và cá nhân. Ở đây, vừa thiết lập sự làm chủ tập thể của cả cộng đồng xã hội Việt Nam, vừa phát huy cao độ quyền tự do chân chính của cá nhân, khơi dậy mọi năng lực sáng tạo của cá nhân, thống nhất hài hoà cá nhân với xã hội.[48] Thiết lập chế độ làm chủ tập thể xã hội chủ nghĩa của nhân dân lao động là mục đích của chủ nghĩa xã hội, đồng thời đó là một động lực quan trọng của công cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa. Làm chủ tập thể xã hội là một quá trình phát triển từ thấp đến cao, trước hết là làm chủ về chính trị tiến lên làm chủ về kinh tế, văn hóa, xã hội, trong đó làm chủ về kinh tế là quan trọng nhất.[49]

Lê Duẩn cũng giải thích thêm: "Chủ nghĩa xã hội không xóa bỏ tất cả những cái riêng của mọi người, nhưng mỗi người phải tham gia vào cái chung, phải phục vụ cái chung, vì cái chung... Chủ nghĩa xã hội không bao giờ chủ trương xóa bỏ quyền lợi cá nhân, mà chỉ làm sao cho quyền lợi cá nhân và quyền lợi tập thể nhất trí với nhau. Ta khuyến khích mỗi người cố gắng tiến lên để đời sống chung và riêng được khá hơn... Hơn nữa, hiện nay về mặt kinh tế, phần cá thể vẫn còn là một nguồn sống của mỗi con người chúng ta". Trong khi coi trọng cái riêng, quyền lợi cá nhân, ông cũng phê phán tư tưởng cá nhân chủ nghĩa, ích kỷ, cục bộ.[7]

Trong bài phát biểu tại Hội nghị lần thứ tám BCHTW khóa IV ông cho là chế độ làm chủ tập thể do các nhà kinh điển nêu ra, nhưng tại Hội nghị lần thứ tám TW khóa V, ông nói Marx, Lenin chưa nói đến, nhưng Việt Nam đang làm trong thực tế. Có thể xem tư tưởng làm chủ tập thể là một nỗ lực của Lê Duẩn tạo ra quan hệ sản xuất mới để thay thế cho quan hệ sản xuất cũ đã bị nhà nước Việt Nam xóa bỏ. Tuy nhiên nhiều người chưa thật sự hiểu tư tưởng của ông và việc áp dụng tư tưởng này vào thực tế không thành công như ông mong đợi. Nếu xem chủ nghĩa cộng sản là một hình thái xã hội cho phép mọi thành viên của xã hội tham gia vào quá trình quyết định trong cả hai lĩnh vực chính trị và kinh tế thì tư tưởng làm chủ tập thể của Lê Duẩn chính là nỗ lực tạo ra một xã hội như vậy. Tuy nhiên trình độ dân trí, trình độ tổ chức xã hội, trình độ sản xuất của Việt Nam chưa thích hợp để hiện thực hóa tư tưởng này. Sau Đổi mới, đường lối làm chủ tập thể không còn được nhắc đến trong các văn kiện của Đảng Cộng sản Việt NamNhà nước Việt Nam.